Hình ảnh một phần giao diện của một website áp dụng tính năng thương mại điện tử
Có nhiều người nói với tôi rằng họ có một trang web đăng sản phẩm có tính năng thương mại điện tử nhưng không hiệu quả bởi vì chẳng ai mua hàng ở trên đó cả. Và họ cho rằng việc đầu tư xây dựng website là không mang lại lợi ích gì.
Về vấn đề này tôi xin chia sẻ như sau. Thứ nhất, việc tạo ra một website cho một doanh nghiệp là rất tốt để mọi người có thể tìm kiếm và tìm hiểu về công ty. Bạn nghĩ sao nếu ai đó muốn biết về công ty bạn mà họ lại không thể tìm hiểu trên môi trường web. Các trang fanpage là quan trọng nhưng website thì như bộ mặt của doanh nghiệp vậy. Để tìm hiểu về doanh nghiệp, công ty nào đó người ta sẽ vào trang web của công ty. Nếu bạn không có một website là bạn đã đánh mất cơ hội nhìn nhận của khách hàng hay đối tác của bạn. Việc bạn không bán được hàng trên website thì có nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như khách không thích đặt hàng trên website của công ty. Khách chưa tin tưởng vào hàng hóa hay dịch vụ của bạn. Website của bạn xây dựng lên nhưng không cập nhật thường xuyên dẫn đến kém uy tín…
Thứ hai, ngay cả khi bạn không bán được hàng trên website thì bạn vẫn tạo được thông tin để khách hàng biết về công ty và sản phẩm của bạn. Có thể khách hàng không mua hàng trực tiếp trên website của bạn nhưng khách hàng lại đến tận cửa hàng, công ty của bạn để mua hoặc gọi điện trực tiếp cho bạn. Trong trường hợp này khách hàng không mua hàng trực tiếp mà mua hàng gián tiếp qua website của bạn. Website lúc này đóng vai trò như là cầu nối giữa công ty bạn và khách hàng và khách hàng mua hàng hóa dịch vụ của bạn một cách gián tiếp. Điều này không phải ai cũng nhận ra.
Hôm trước tôi có gặp một bạn chuyên viên ngân hàng chào mời cài app. Nếu tôi đồng ý cài thì bạn ấy sẽ gửi tôi 30 ngàn bất kể việc cài app xong có dùng hay không. Tôi mới hỏi bạn ấy rằng nếu tôi cài xong mà không sử dụng app của bạn thì rõ ràng là bạn mất 30 ngàn phải không và điều này không mang lại lợi ích gì cho công ty, chỉ mang lại KPI cho bạn khi bạn mời được nhiều người cài app đúng không? Bạn ấy trả lời tôi rằng, nếu trong trường hợp khách hàng tải app nhưng rồi không dùng mà xóa ngay đi thì đúng là trong trường hợp này công ty không nhận được lợi ích gì. Vậy nhưng đó chỉ là phần nổi. Bạn ấy có nói rằng chỉ cần 10% những người tải app và sử dụng app là ngân hàng của các bạn đó sẽ có lợi. Thậm chí ngay cả đối với những người cài app xong rồi gỡ thì cũng vẫn mang lại lợi ích cho ngân hàng vì người đó không dùng nhưng có thể giới thiệu người khác dùng đồng thời ngân hàng cũng tạo ra hình ảnh, vị thế đối với người đó và đây cũng là một cách làm thương hiệu.
Quay trở lại câu chuyện làm web bán hàng. Ngay cả khi khách hàng không mua hàng trực tiếp trên website của bạn thì vẫn có thể khách hàng sẽ đến mua trực tiếp tại cửa hàng, công ty hoặc gọi điện trực tiếp để mua. Và như vậy website đã kết nối khách hàng với doanh nghiệp của bạn và khách hàng đã mua hàng gián tiếp thông qua website.
Như vậy đến đây thì bạn đã có câu trả lời cho tiêu đề bài viết rồi nhé.